Nghiên cứu đặc điểm sinh học và genotype quần thể Phytophthora capsici gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu ở Quảng Trị

224

Kết quả điều tra cho thấy các cây làm choái sống cho hồ tiêu ở Quảng trị  chủ yếu là cây mít (Artocarpus heterophyllus), cây lồng mức (Wrightia antidysenterica), cây ươi (Sterclia lyhnophora) và cây hoa sữa (Alstonia scholaris). Các cây thường trồng xen trong vườn hồ tiêu là ớt (Capsium annuum), bí ngô (Cucurbita pepo), thơm (Ananas comosus), chanh (Citrus aurantifolia), khoai lang (Ipomoea batatas), cà chua (Lycopersicon esculentum), thuốc lá (Nicotiana glutinosa), cà tím (Solanum melongena), vả (Ficus auriculata), khoai môn (Cocasia esculenta), chuối (Musa sp.). Các loại cây làm choái và cây trồng xen trong vươn hồ tiêu ở Quảng Trị phần lớn đều cảm nhiễm với Phytophthora capsici, tác nhân gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu. Các cây lòng mức (Wrightia antidysenterica), hoa sữa (Alstonia scholaris), chuối (Musa sp.), sầu đông (Melia azedarach), vông (Erythrina orientalis), keo dậu (Leucaena leucocephala), núc nác (Oroxylum indicum), cỏ hôi (Ageratum conyzoides) và huỳnh bá (Nauclea officinalis) có thể là các loài mới phát hiện của chúng tôi về phổ ký chủ của P. capsici.

Tiến hành đánh giá độc tính của hai thể dị tản  A1 và A2 được lây nhiễm cùng một lượng sợi nấm giống nhau của 6 isolate P.capsici trên lá tiêu chúng tôi nhận thấy rằng độc tính của isolate A1 và A2 không khác biệt lớn.

Tiến hành nghiên cứu sự hình thành bào tử trứng (oospore) của P.capsici trên mô lá của cây hồ tiêu đang sống trong điều kiện phòng thí nghiệm chúng tôi đã tìm thấy bao cái (oogonium) chứa bào tử trứng của P.capsici trên biểu bì của lá tiêu. Chỉ phần mô lá nơi có sự giao nhau của hai sợi nấm đối nghích A1 và A2 để hình thành bào tử trứng có sợi nấm mọc lên trên môi trường PSM sau khi xử lý nhiệt độ – 20 °C (giết chết sợi nấm). Điều này đã cho thấy khả năng hình thành bào tử trứng trong điều kiện tự nhiên ở Việt Nam là rất lớn.  Nghiên cứu genotype quần thể Phytophthora capsici phân lập từ hồ tiêu Quảng Trị bằng kỹ thuật sinh học phân tử RAMS cho thấy RAMS có thể phát hiện sự đa hình của P. capsici. Chúng tôi khẳng định sự đa dạng di truyền quần thể P. capsici từ hồ tiêu từ Quảng Trị nơi tồn tại cả hai thể đối nghịch A1 và A2. Phân tích nhóm UPGMA chỉ ra rằng tất cả các isolate được xếp vào trong 2 nhóm với chỉ số tương đồng DICE là 54%. Sự đa dạng di truyền của quần thể P. capsici từ Quảng Trị cũng cố giả thuyết về khả năng sinh sản hữu tính của quần thể P. capsici có thể xảy ra trên đồng ruộng Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý bệnh thối gốc rễ hồ tiêu ở Quảng Trị và Việt Nam. Vì vậy, việc ngăn chặn cây, vật liệu và đất nhiễm bệnh phát tán qua lại giữa các vùng là điều cần làm để hạn chế sự phân bố rộng rãi về di truyền.

Vòng đời bệnh hại và dịch bệnh Phytophthora thối gốc rễ hồ tiêu ở nước ta có thể phỏng đoán và xây dựng trên cơ sở khoa học là các kết quả về sự hình thành bào tử trứng, sự da dạng di truyền và các nghiên cứu đã được tiến hành trước đây bởi các tác giả.