XÂY DỰNG VÀ CHUYỂN GIAO QUY TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP BỆNH CHẾT NHANH HỒ TIÊU Ở QUẢNG TRỊ

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hồ tiêu (Piper nigrum L.) là cây trồng có giá trị xuất khẩu cao ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai, Thái Lan, Sri Lanka, Brazil, Trung Quốc và Việt Nam (Nair 2004). Giá hồ tiêu bình quân giao động từ 2000-6000 USD/tấn tiêu đen trên thị trường thế giới (Bộ Công Thương, 2012). Việt Nam hiện nay đang dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới.  Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và tiếp tục giữ vững kỷ lục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu số một thế giới trong các năm tới (Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, 2011). Theo số liệu thống kê của các tỉnh, diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam hiện nay khoảng 50.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Sản lượng xuất khẩu mỗi năm trong khoảng 100.000 – 110.000 tấn chiếm trên 50% sản lượng hồ tiêu giao dịch buôn bán trên toàn thế giới. Hồ tiêu Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và sản lượng  nhưng những năm gần đây diện tích hồ tiêu có xu hướng giảm, một trong những nguyên nhân gây ra giảm diện tích và sản lượng được xác định do dịch bệnh, gây ra hiện tượng tiêu chết hàng loạt.

Một trong những dịch bệnh gây hại và ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hạt tiêu được xác định là bệnh thối gốc rễ Phytophthora. Bệnh thối gốc rễ Phytophthora cây hồ tiêu (còn được gọi là bệnh chết nhanh hay bệnh tiêu sầu) là dịch bệnh hại nguy hiểm, thường làm chết dây tiêu hàng loạt, gây mất trắng hoặc làm giảm năng suất cây trồng (Truong et al. 2008). Ở Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh đó được xác định là do Phytophthora capsici gây nên dựa trên cơ sở quan sát triệu chứng bệnh, đặc điểm hình thái tác nhân gây bệnh, lây nhiễm bệnh nhân tạo và giám định sinh học phân tử. Bệnh gây hại phổ biến ở tất cả các vùng trồng tiêu trên phạm vi cả nước.

Quảng Trị là nơi hồ tiêu được sản xuất thành hàng hóa để xuất khẩu. Bệnh chết nhanh hồ tiêu thường xuyên xảy ra trên địa bàn trồng hồ tiêu của tỉnh. Mặc dầu có nhiều giải pháp phòng trừ bệnh đã triển khai, nhưng do thiếu hiểu biết cơ bản về đặc tính sinh học tác nhân gây bệnh, qui luật phát sinh phát triển và vòng đời bệnh hại, nên các biện pháp đã áp dụng đơn lẻ trong thời gian qua thường kém hiệu quả. Trên cơ sở các nghiên cứu cơ bản về đặc tính sinh học tác nhân gây bệnh trong những năm qua, chúng tôi đề xuất đề án thử nghiệm và hoàn thiện quy trình quản lý bệnh tổng hợp bệnh chết nhanh hồ tiêu ở Quảng Trị. Đề tài của chúng tôi sẽ góp phần gia tăng hiệu quả phòng trừ bệnh hại, giảm đáng kể chi phí phòng trừ bệnh, nâng cao chất lượng nông sản để xuất khẩu và bảo vệ môi trường nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị.

2. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

1. Tổng kết  đánh giá kết quả các đề tài nghiên cứu về bệnh hại hồ tiêu tại Quảng Trị

2. Điều tra lấy mẫu và giám định nguyên nhân bệnh chết nhanh và chết chậm

3. Thực hiện mô hình trồng tiêu ghép để hạn chế bệnh hại

4. Thử nghiệm kỹ thuật phát hiện nguồn bệnh chết nhanh trong đất

5. Thử nghiệm phương pháp sử dụng thuốc phosphonate

6. Thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas trong quản lý bệnh chết nhanh hồ tiêu

7. Nghiên cứu ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh đến bệnh chết nhanh và chết chậm hồ tiêu

8. Chuyển giao quy trình quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh hồ tiêu cho địa phương

3. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

3.1. Tổng kết  đánh giá kết quả các đề tài nghiên cứu về bệnh hại hồ tiêu tại Quảng Trị

Bệnh thối rễ, héo rũ (bệnh chết nhanh) hồ tiêu đã được Richter (1991) mô tả từ năm 1989 ở Tân Lâm, Quảng Trị. Bệnh chết nhanh có ý nghĩa đặc biệt vì gây hại đối với cả tiêu trong thời kỳ phát triển cũng như tiêu kinh doanh. Bệnh xuất hiện có ý nghĩa kinh tế trung bình trong thời gian đó. Nguyên nhân gây bệnh được đề nghị là do Fusarium spp. và Phytophthora sp. gây ra dựa trên các kết quả phân lập. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của tuyến trùng Meloidogyne ở tất cả những nơi lấy mẫu. Chúng làm cho diễn biến bệnh phát triển nhanh và trầm trọng hơn. Richter cũng đề nghị là cần phát hiện bệnh sớm để xử lý. Nếu việc xử lý không đạt kết quả thì buộc phải hủy bỏ những khu vực có bệnh để hạn chế lây lan sang các khu vực khác. Kết quả khảo nghiệm thuốc trừ nấm của Richter (1991) tiến hành cho thấy các thuốc trừ bệnh như Mancozeb, Metalaxyl, Carbendazim có tác dụng diệt nấm tốt. Tác giả cũng đề nghị về lâu dài các vùng trồng tiêu ở Quảng Trị cần tiến hành tuyển chọn những cây mẹ khỏe mạnh ở địa phương để nhân giống và xem xét khả năng chống bệnh của chúng.

Báo cáo về tình hình bệnh tuyến trùng hại hồ tiêu ở Xí nghiệp Liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm, Quảng Trị của Nguyễn Ngọc Châu et al. (1990) cho biết hầu hết diện tích trồng tiêu của xí nghiệp đã bị nhiễm tuyến trùng ký sinh gây nốt sần từ 8,7 đến 100%. Hầu hết hồ tiêu ở các độ tuổi khác nhau đều bị nhiễm tuyến trùng. Tuy nhiên hồ tiêu ở các lô kinh doanh (trên 3 năm tuổi) bị bệnh nặng ơn tiêu ở các lô kiến thiết cơ bản (dưới 3 năm tuổi). Nguyễn Ngọc Châu và Nguyễn Vũ Thanh (1992) khuyến cáo 3 loại thuốc Mocap 6 EC, Diafuran 3G và Nemacur 10G có hiệu lực trừ tuyến trùng tốt. Nguyễn Ngọc Châu (1994) cho biết dùng phân chuồng ủ hoai mục bón cho hồ tiêu với lượng 20kg/gốc tiêu tại Xí nghiệp Liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm, Quảng Trị làm giảm mật độ tuyến trùng sần rễ Meloidogyne incognita so với đối chứng từ 45 – 60%.

Theo báo cáo của Nguyễn Ngọc Châu (1995b) thành phần sâu bệnh hại tiêu tại Xí nghiệp Liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm, Quảng Trị khá phòng phú và đa dạng. Kết quả điều tra cho cho biết có 9 loài côn trùng gây hại, 49 loài tuyến trùng và 7 loài nấm bệnh. Nguyên nhân gây bệnh chết nhanh được cho là do Phytophthora palmivora var. piperis, nguyên nhân gây bệnh thối rễ là do Fusarium solani gây nên. Bệnh này thường phối hợp với tuyến trùng hại tiêu. Tuyến trùng xâm nhập vào rễ tiêu gây tổn thương rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. Vì vậy phòng trừ bệnh cần phối hợp với phòng trừ tuyến trùng mới có hiệu quả.

Nguyễn Ngọc Châu và Nguyễn Vũ Thanh (1996) cho biết hai thuốc thảo mộc HBJ và LBJ sản xuất từ cây sầu đâu rừng ở các quy mô khác nhau và theo các phương pháp khác nhau đều cho kết quả diệt tuyến trùng Meloidogyne incognita khá tốt. Nếu sử dụng các chế phẩm HBJ và LBJ với nồng độ 2,5 – 5% trên diện rộng với đủ nước thì có thể diệt được tuyến trùng sau 10 – 15 ngày ở liều lượng là 200g/gốc tiêu. Nguyễn Ngọc Châu (1995a) đã xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp tuyến trùng hại hồ tiêu và bước đầu áp dụng tại Xí nghiệp Liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm, Quảng Trị. Các biện pháp phòng trừ tổng hợp tuyến trùng hồ tiêu bao gồm: xây dựng vườn ươm sạch bệnh; quy hoạch lô tiêu để ngăn chặn sự lây lan truyền bệnh; kiểm tra xử lý đất trước khi trồng tiêu; xử lý thuốc hóa học (Mocap, Nemacur, Diafuran).

Nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong sản xuất và thâm canh cây tiêu, đề xuất các biện pháp phòng trừ một số đối tượng dịch hại chủ yếu, Chi cục bảo vệ thực vật Quảng Trị đã tổ chức xây dựng mô hình IPM hồ tiêu từ năm 2000 – 2001. Trên cơ sở thực hiện các mô hình IPM đã rút ra một sô bài học kinh nghiệm như hiệu quả của các phương pháp sản xuất giống đến tình hình sinh trưởng, năng suất hồ tiêu; ảnh hưởng của liều lượng phân bón, cách bón đến sinh trưởng phát triển năng suất của hồ tiêu và quần thể dịch hại, thiên địch; các biện pháp phòng trừ tuyến trùng sần rễ hồ tiêu; hiệu quả của các loại thuốc trừ rệp sáp hại hồ tiêu (Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Trị 2000).

Qua nghiên cứu tổng kết các kết quả nghiên cứu trước đây về bệnh hại hồ tiêu ở Quảng Trị chúng tôi nhận thấy nguyên nhân gây bệnh chưa được chẩn đoán đúng, các biện pháp phòng trừ bệnh không còn phù hợp với sản xuất hiện tại, một số biện pháp đã lạc hậu, cách tiếp cận biện pháp phòng trừ không dựa trên cơ sở chu kỳ bệnh hại do tác nhân gây bệnh xác định chưa đúng, quản lý bệnh hại dựa trên các biện pháp đơn lẻ. Các vấn đề tồn tại trên đã làm cho công tác quản lý bệnh chết nhanh và và bệnh chết chậm đạt hiệu quả chưa cao.

3.2. Điều tra lấy mẫu và giám định nguyên nhân bệnh chết nhanh và chết chậm

Kết quả điều tra 60 hộ nông dân về tình hình bệnh chết nhanh ở Cam Lộ năm 2011 là 12% tương đối phù hợp với kết quả báo cáo của Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) Quảng Trị. Tuy nhiên kết quả điều tra của chúng tôi về bệnh tuyến trùng chết chậm thấp hơn nhiều so với báo cáo của chi cục BVTV. Theo báo cáo của Chi cục BVTV bệnh tuyến trùng chết chậm ở Cam Lộ lên đến 125 ha, tỉ lệ bệnh từ 20 đến 30 %. Tương tự kết quả điều tra 60 hộ nông dân về tình hình bệnh chết nhanh ở Vĩnh Linh năm 2011 là 2,5% thấp hơn với kết quả báo cáo của Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) Quảng Trị. Tuy nhiên kết quả điều tra của chúng tôi về bệnh tuyến trùng tương đương so với báo cáo của chi cục BVTV. Theo báo cáo của Chi cục BVTV bệnh tuyến trùng chết chậm ở Vĩnh Linh lên đến 210 ha, tỉ lệ bệnh từ 12 đến 16%. Kết quả điều tra của chúng tôi về tỉ lệ bệnh chết chậm do tuyến trùng trung bình là 30,3%.

Kết quả giám định các mẫu nấm phân lập từ cổ rễ và rễ cây hồ tiêu có triệu chứng chết nhạnh cho thấy sự hiện diện của nấm Phytophthora capsici. Các mẫu đất bẫy du động bào tử từ các vườn tiêu có bệnh cũng thu được nấm P. capsici. Mẫu nấm P. capsici được bảo quản trong nước cất vô trùng ở Bộ môn Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông Lâm Huế. Các cây hồ tiêu có biểu hiện chết chậm đều thấy sự hiện diện của tuyến trùng Melodogyne hại rễ.

3.3. Thực hiện mô hình trồng tiêu ghép để hạn chế bệnh hại

Mô hình tiêu ghép được trồng ở Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị với 100 cây hồ tiêu ghép (giống tiêu Vĩnh Linh trắng ghép trên gốc tiêu dại Piper colubrinum nguồn gốc Brazin) và 100 cây  hồ tiêu Vĩnh Linh trồng cùng lúc để làm đối chứng. Tiến hành theo dõi và đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi của tiêu ghép với điều kiện khí hậu Quảng Trị. Qua theo dõi và đánh giá chúng tôi nhận thấy tiêu ghép có động thái tăng trưởng chiều cao, số đốt và số lá trên thân tốt hơn giống Vĩnh Linh nhưng động thái tăng trưởng số cành trên thân  và số lá trên cành thì tiêu Vĩnh Linh tốt hơn so với tiêu ghép. Khả năng sinh trưởng, tính tương hợp giữa chồi ghép và gốc ghép của tiêu ghép phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết. Cây tiêu ghép thường bị chết do chồi ghép tách khỏi gốc ghép khi trời quá nóng, gió Lào và khô hạn. Nhìn chung cây tiêu ghép chịu hạn và chịu lạnh kém hơn so với tiêu Vinh Linh, điều này chứng tỏ tiêu ghép chưa thích nghi với điều kiện khí hậu tỉnh Quảng Trị. Về khả năng chống chịu sâu bệnh (rệp sáp, bệnh thán thư, bệnh đốm lá) quan sát bước đầu cho thấy tiêu ghép tốt hơn so với tiêu Vĩnh Linh.

3.4. Thử nghiệm kỹ thuật phát hiện nguồn bệnh chết nhanh trong đất

Bẫy nấm là kỹ thuật sử dụng các ký chủ cảm nhiễm với các loài Phytophthora. Tuy nhiên, không có phương pháp bẫy nấm nào là hiệu quả đối với tất cả các loài. Kỹ thuật sử dụng lá tiêu để phân lập tác nhân gây bệnh chết nhanh hồ tiêu đã được áp dụng ở Ấn Độ và Mã Lai (Anandaraj and Sarma 1990). Đây là kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả trong việc theo dõi nguồn bệnh bảo tồn trong đất. Kueh và Khew (1982) đã sử dụng kỹ thuật này để theo dõi sự bảo tồn tác nhân gây bệnh chết nhanh hồ tiêu ở Mã Lai. Các tác giả đã cho biết rằng mật độ nguồn nấm bệnh P. capsici gây nên bệnh chết nhanh hồ tiêu được xác định cao nhất ở độ sâu lẫy mẫu đất từ 0.5–15cm và độ pH của đất từ 6,5–7.  Theo quan sát của chúng tôi, các mẫu đất bẫy dương tính với nguồn bệnh chết nhanh, lá tiêu thường xuất hiện vết bệnh đặc trưng sau 2–5 ngày. Vết bệnh gây ra do Phytophthora có hình tròn, có tia nấm ở ngoài rìa và vành mô bệnh dạng giọt dầu, rất dễ dàng phân biệt bằng mắt thường với các vết tổn thương gây nên bởi vi khuẩn, Pythium hoặc các loại nấm gây bệnh trong đất khác. Cành mang bọc bào tử động (sporangiosphora) và bọc bào tử động (sporangium) có thể quan sát dể dàng bằng kính hiển vi sau khi cắt nhỏ phần vết bệnh trên lá và ủ trong nước 1–2 ngày.

Kỹ thuật sử dụng lá tiêu bẫynhư chúng tôi đã trình bày rất hiệu quả để xác đinh tác nhân gây bệnh chết nhanh hồ tiêu P. capsisi từ đất. Ngoài ra, khi so sánh các kết quả giữa quan sát vết bệnh trên lá tiêu bẫy và kiểm chứng lại bằng cách phân lập trên môi trường PSM, chúng tôi nhận thấy việc quan sát triệu chứng vết bệnh trên lá tiêu bẫy bằng mắt thường đủ độ tin cậy để có thể xác định được nguồn nấm bệnh Phtophthora gây bệnh chết nhanh hồ tiêu ở trong đất. Vì vậy, kỹ thuật này có thể ứng dụng để theo dõi nguồn bệnh P. capsisi trong đất để dự tính dự báo khả năng và mức độ bệnh sẽ xảy ra nhằm có kế hoạch phòng trừ bệnh. Để quản lý bệnh chết nhanh hồ tiêu hiệu quả cần phối hợp nhiều biện pháp trong đó có biện pháp hóa học. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc hóa học để phòng trừ bệnh chỉ phát huy tác dụng cao nhất đối với bệnh trước khi nấm P. capsici xâm nhập thành công vào bên trong cây. Cho nên kỹ thuật này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các loại thuốc hóa học do theo dõi được nguồn bệnh trong đất và tiến hành xử lý thuốc đúng thời gian và hợp lý.

Việc nhận biết sớm nguồn bệnh chết nhanh hồ tiêu gây ra do nấm Phytophthora thường rất khó khăn, chỉ khi cây biểu hiện các triệu chứng như héo, vàng rụng lá, thối gốc, rễ (N.V. Truong et al. 2008) thì nông dân mới phát hiện cây tiêu nhiễm bệnh. Việc áp dụng các biện pháp phòng trừ lúc này là không còn tác dụng, và cây trồng sẽ chết trong sau một thời gian ngắn. Phương pháp sử dụng lá cây hồ tiêu bẫy du động bào tử nấm Phytophthora capsici gây bệnh chết nhanh cây hồ tiêu trong đất vùng rễ cây hồ tiêu sẽ giúp ích cho việc dự tính dự báo khả năng phát sinh gây hại của nguồn bệnh, chủ động phòng trừ. Chúng tôi khuyến cáo đối với những hộ trồng tiêu ở các xã có tỷ lệ mẫu dương tính với P.capsici lớn nên khoanh vùng cách ly, đào rãnh thoát nước để hạn chế nguồn bệnh xâm nhiễm, gây hại, những trụ tiêu nhiễm bệnh cần nhổ bỏ, tiêu hũy và bón vôi để tiêu độc và tiến hành xử lý thuốc đối với các cây hồ tiêu chưa biểu hiện triệu chứng bệnh. Đối với những hộ có tỷ lệ nguồn bệnh P.capsici thấp chưa cần thiết phải xử lý thuốc, nên có chế độ chăm sóc vườn tiêu thật tốt, thực hiện các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng, áp dụng chế phẩm sinh học như Pseudomonas.

3.5. Thử nghiệm phương pháp sử dụng thuốc phosphonate

Thuốc trừ nấm gốc phosphonate như fosetyl – Al và các sản phẩm của nó như axit phosphoris được khuyến cáo là hiệu quả cao đối với nấm Phytopthora (Guest và Grant, 1991). Phosphonate có một phương thức tác động phức tạp trong phòng trừ nấm bệnh. Grant et al. (1990) cho biết anion phosphonate có thể tác động trực tiếp lên nấm, làm giảm sinh trưởng nấm. Theo Guest và Grant (1991) cơ chế tác động của các hợp chất phosphonate là nâng cao khả năng bảo vệ cây và đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hảm sinh trưởng của sợi nấm. Phosphonate gia tăng khả năng sinh tổng hợp ethylence tăng hoạt động của enzyme thủy phân phenylalanine ammonia, tăng sinh tổng hợp lignin và tích lũy phytoalexin. Vì vậy phản ứng bảo vệ tăng nhanh ở cây có xử lý phosphonate, lúc này cây có xử lý phosphonate phản ứng như các giống cây chống bệnh.

Để có cở sở khoa học khuyến cáo nông dân các vùng trồng tiêu sử dụng thuốc Phosphonate (Agri-fos 400) trong phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu, chúng tôi tiến hành xử lý thuốc Phosphonate bằng biện pháp ngâm rễ trong dung dịch thuốc và tưới dung dịch thuốc quanh gốc. Sau thời gian 1 tháng kể từ ngày xử lý thuốc, chúng tôi tiến hành lây bệnh nhân tạo trên lá tiêu thu thập từ công thức xử lý thuốc Phosphonate và xử lý nước. Tiến hành quan sát và theo dõi sự phát triển vết bệnh sau khi lây nhiễm bằng bào tử động P. capsici trên lá tiêu.  Kết quả cho thấy diện tích vết bệnh trên lá tiêu  ở công thức xử lý thuốc phosphonate nhỏ hơn diện tích vết bệnh của công thức xử lý nước ở cả 2 thí nghiệm ở Cam Lộ và Vĩnh Linh. Điều này có nghĩa là thuốc phosphonate đã có tác dụng kích thích khả năng kháng bệnh của cây hồ tiêu, kích thích cây hồ tiêu sinh ra các chất có tác dụng trong việc hạn chế, kìm hãm sự phát triển nấm gây bệnh Phytophthora capsici trên lá hồ tiêu.  Quan sát của chúng tôi trên đồng ruộng vườn xử lý thuốc không có cây hồ tiêu nào bị nhiễm bệnh Phytophthora thối gốc rễ, trong lúc đó bệnh này vẫn xảy ra ở các vườn khác không xử lý thuốc. Qua kết quả các thí nghiệm cho thấy việc sử dụng thuốc phosphoante (Agri-fos 400) trong phòng và trị bệnh chết nhanh do  Phytopthora capsici  là có hiệu quả và tương đối dễ thực hiện đối với người nông dân ở cả hai phương pháp ngâm rễ hồ tiêu trong dịch thuốc và kỹ thuật tưới thuốc. Với kỹ thuật ngâm rễ hồ tiêu trong dung dịch thuốc có ưu điểm là giúp tiết kiệm thuốc, giảm sự rửa trôi, thất thoát và mất hoạt tính của thuốc do mưa, nắng không gây ô nhiễm môi trường, không gây thiệt hại cho cây trồng.Tuy nhiên phương pháp này cũng có hạn chế là tốn công, mất thời gian để tiến hành. Ngoài việc sử dụng phosphonate cần chú ý tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật đối kháng với nấm Phytopthora phát triển bằng cách sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục (tốt nhất có trộn 30% phân gà) hoặc phân vi sinh Trichorderma.

3.6. Thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas trong quản lý bệnh chết nhanh hồ tiêu

Kết quả thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas trong quản lý bệnh chết nhanh hồ tiêu chúng tôi nhận thấy mô hình xử lý chế phẩm vào mùa mưa và xử lý lần 2 cách lần lầu 2 tháng có tỉ lệ bệnh chết nhanh thấp hơn đối chứng không xử lý chế phẩm. Kết quả thử nghiệm này phù hợp với kết quả của của nghiên cứu của Tran Thi Thu Ha (2007) và Trần Thị Thu Hà et al. (2011) trên hồ tiêu giâm hom và hồ tiêu kinh doanh. Điều này do chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn Pseudomonas putida tập trung vào rễ của cây hồ tiêu và hạn chế sự xâm nhập của nấm Phytophthora tấn công vào rễ. Chúng tôi cũng nhận thấy năng suất lý thuyết ở công thức có sử dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas cao hơn so với công thức làm theo phương pháp truyền thống của nông dân.

3.7. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh bokashi-Trichoderma đến chết chậm hồ tiêu

Phân hữu cơ vi sinh Bokashi- Trichoderma khi bón vào đất giúp cây trồng sinh trưỡng tốt và có tác dụng làm giảm tuyến trùng trong đất. Để đánh giá ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma đến tuyến trùng hại hồ tiêu, chúng tôi tiến hành theo dõi và nghiên cứu về số nốt sưng rễ, mật số tuyến trùng trong mẫu đất và mật số tuyến trùng trong mẫu rễ. Chúng tôi nhận thấy công thức có bón phân hữu cơ vi sinh Bokashi- Trichoderma có số nốt sưng trên một đơn vị chiều dài của 1g rễ và số nốt sưng trên 1g rễ thấp hơn công thức đối chứng. Tiến hành phân tích ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma đến mật độ tuyến trùng hại hồ tiêu, chúng tôi nhận thấy công thức có bón phân hữu cơ vi sinh Bokashi- Trichoderma có mật số tuyến trùng trong mẫu đất và mẫu rễ thấp hơn công thức đối chứng không bón Bokashi-Trichoderma.Vì vậy, việc bón phân hữu cơ vi sinh Bokashi- Trichoderma là một biện pháp phòng trừ khá hiệu quả tuyến trùng gây hại trên cây hồ tiêu.

3.8. Kết quả xây dựng quy trình quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh và chết chậm hồ tiêu Quảng Trị

Quy trình quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh và chết chậm hồ tiêu ở Quảng Trị đã được biên soạn công phu trên cơ sở các nghiên cứu tiến hành tại Quảng Trị và tham khảo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước. Quy trình đã được xuất bản ở Nhà xuất bản Nông nghiệp quyết định xuất bản số 22/QĐ-NN, mã số xuất bản: 63-630/NN-2013-775/07-13.

3.9. Kết quả tổ chức tập huấn TOT cho cán bộ kỹ thuật

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tập huấn TOT cho 30 cán bộ kỹ thuật của Chi cục bảo vệ thực vật, cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trung Tâm Khuyến nông. Buổi tập huấn chuyển giao quy trình quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh và chết chậm hồ tiêu được tổ chức vào ngày 28/5/2013. Nội dung tập huấn bào gồm chuyển giao các kỹ năng giám định tác nhân gây bệnh, huấn luyện các biện pháp kỹ thuật trong phòng và ngoài đồng, tham quan mô hình trình diễn để học tập rút kinh nghiệm. Các cán bộ kỹ thuật tham gia tập huấn đã nắm bắt đầy đủ, vững vàng về lý thuyết và thực hành về nhận diện bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm, các kiến thức và kỹ năng về quản lý bệnh hại.

3.10. Kết quả tổ chức tập huân nông dân, hội nghị đầu bờ

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành tập huấn cho 100 nông dân ở Cam Lộ và 100 nông dân ở Vĩnh Linh vào 31/5/2013 và 1/6/2013. Nội dung tập huấn bào gồm huấn luyện về nhận diện bệnh hại, các biện pháp quản lý bệnh hại, tham quan mô hình trình diễn và hội thảo đầu bờ để học tập rút kinh nghiệm. Hầu hết các nông dân tham gia tập huấn đều rất phấn khởi vì được huấn luyện cả lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để có thể áp dụng vào đồng ruộng của mình.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Bệnh thối rễ gốc rễ hồ tiêu thường được gọi là bệnh chết nhanh  đã được (Richter 1991)mô tả từ năm 1989 ở Tân Lâm, Cam Lộ, Quảng Trị. Nguyên nhân gây bệnh được đề nghị là do Fusarium spp. và Phytophthora sp. gây ra dựa trên các kết quả phân lập. Bệnh chết chậm hồ tiêu được xác định chủ yếu do tuyến trùng gây nên. Các biện pháp phòng trừ được đề xuất đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp với sản xuất hồ tiêu trong giai đoạn hiện nay.

Tình hình bệnh thối gốc rễ chết nhanh và tuyến trùng chết chậm gây hại thường xuyên ở Cam Lộ và Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tác nhân gây bệnh thối gốc rễ chết nhanh được xác định là do Phytophthora capsici. Tác nhân gây bệnh chết chậm chủ yếu là do tuyến trùng Meloidogyne sp.

Sử dụng lá tiêu để bẫy nấm P. capsici trong đất là một phương pháp hữu hiệu để theo dõi nguồn bệnh chết nhanh bảo tồn ở trong đất. Việc xác định được nguồn bệnh trong đất là rất quan trọng để dự tính dự báo sự phát sinh dịch bệnh và có kế hoạch phòng trị bệnh chủ động.

Tiêu ghép về khả năng sinh trưởng phát triển tương tự giống Vĩnh Linh. Tuy nhiên khả năng sinh trưởng của tiêu ghép, khả năng tương hợp giữa chồi ghép và gốc ghép của tiêu ghép phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Tính chịu lạnh và chịu hạn của tiêu ghép thấp hơn so với giống Vinh Linh, điều này chứng tỏ tiêu ghép vẫn chưa thích nghi với điều kiện khí hậu tỉnh Quảng Trị.

ViệcxửlýthuốcPhosphonatesớmlàcóhiệuquảtrongviệcphòng trừbệnhchết nhanh doPhytophthora capsicigây nên.Kỷthuậtngâmrễhồtiêutrongdungdịch thuốc Phosphonate cho thấy có thể phòng trị   được bệnh chết nhanhhồtiêu.Kỹthuậtnàylàdễthựchiệnđốivớinôngdân,giúptiết kiệmthuốc,giảmsựrửatrôi,thấtthoátvàmấthoạttínhcủathuốcdomưa, nắngkhônggâyônhiễm môitrường,khônggâythiệt hại cho cây trồng.

Kết quả khảo nghiệm chế phẩm sinh học Pseudomonas đến bệnh chết nhanh  cho thấy chế phẩm có khả năng làm giảm thiệt hại do bệnh và tăng năng suất cây trồng.

Phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma có tác dụng làm giảm số lượng nốt sưng rễ, mật số tuyến trùng trong mẫu đất và mẫu rễ, là một biện pháp phòng trừ khá hiệu quả tuyến trùng gây hại hồ tiêu.

4.2. Kiến nghị

Chúng tôi khuyến cáo nông dân nên chọn lựa các cây làm chói không phải là phổ ký chủ của Phytophthora capsici như mít hay nục nát, không nên trồng xen các cây trồng như ớt, cà chua, thuốc lá, khoai lang, mướp ngọt, bí ngô, đậu xanh, khoai môn, lô hội, cao su, trứng gà, bơ  trong vườn hồ tiêu để hạn chế sự lây lan của bệnh hại.

Tiến hành xử lý thuốc Phosphonate để phòng trừ bệnh Phytophthora chết nhanh hồ tiêu trên diện rộng trong những vụ tiếp theo trên cơ sở của kết quả bẫy nấm theo dõi nguồn bệnh chết nhanh ở trong đất để có thể rút ra kết luận chính xác hơn.

Tiếp tục thử nghiệm bón chế phẩm Pseudomonas cho nhiều vùng tiêu khác nhau để có kết luận chính xác hơn về hiệu quả của chế phẩm trong phòng trừ bệnh.

Tiếp tục thử nghiệm bón phân hữu cơ vi sinh Bokashi- Trichoderma ở các vùng trồng tiêu bị bệnh vàng lá do tuyến trùng trên diện rộng và lặp lại nhiều năm để có kết luận chính xác hơn về hiệu quả của phân Bokashi-Trichoderma.

Chúng tôi đề nghị cần tiếp tục theo dõi về sinh trưởng và năng suất của tiêu ghép trong thời gian 2-3 năm nữa để có kết luận  đúng  đắn cho việc phát triển tiêu ghép ở Quảng Trị. Trồng tiêu ghép là một vấn đề mới đang được sự quan tâm ngành nông nghiệp, mở ra một hướng đi mới cho các nhà sản xuất hồ tiêu do đó cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.

Chúng tôi đề nghị mở rộng tập huấn cho nông dân các vùng trồng tiêu ở Hướng Hoá và Gio Linh về quy trình quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh và chết chậm hồ tiêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Anandaraj M, Sarma YR. (1990) A simple baiting technique to detect and isolate Phytophthora capsici (‘P. palmivora‘ MF4) f-rom soil. Mycological Research 94, 1003-1004.

Bộ công thương. (2012). Tổng quan tình hình xuất khẩu tiêu 2011. http://vinanet.vn/tin-thi-truong-hang-hoa-viet-nam.gplist.294.gpopen.197446.gpside.1.gpnewtitle.tong-quan-tinh-hinh-xuat-khau-nam-2011.asmx.(verified Jan,3, 2012).

Chi cục bảo vệ thực vật Quảng Trị. (2000). Báo cáo kết quả bước đầu lớp nghiên cứu IPM cây hồ tiêu. Chi cục bảo vệ thực vật Quảng Trị, Đông Hà, 11 trang.

Grant, B. R., Dunstan, R. H., Griffith, J. M., Niere, J. O., and Smillie, R. H. (1990). The mechanism of phosphonic (phosphorous) acid action in Phytophthora. Australas Plant Path 4:115-121.

Guest D, Grant B (1991). The complex action of phosphonates as antifungal agents. Biological Reviews 66, 159-187.

Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC). (2011). Sản xuất tiêu thế giới. http://www.peppervietnam.com/Details.aspx?id=1040(verified Apr/9/1990)

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam. (2011). Báo cáo tổng  kết nhiệm kỳ III (2008 – 2010) & Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2011 – 2014).

Kueh TK, Khew KL. (1982) Survival of Phytophthora palmivora in soil and after passing through alimentary canals of snails. Plant Disease 66, 897-899.

Nair KPP. (2004) The agronomy and economy of black pepper (Piper nigrum L.) – the “King of Spices”. Advances in Agronomy  82, 271-389.

Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Vũ Thanh, Phạm Thanh Bình, Phạm Văn Lực, Lương Đức Gia. (1990). Tình hình sâu bệnh hại hồ tiêu ở xí nghiệp liên hiệp hồ tiêu Tân Lâm, Quảng Trị, Tuyển tập các công trình nghiên cứu sinh thái và tài nguyên sinh vật (1986-1990). NXB Khoa học Kỹ Thuật, Hà Nội, pp. 80-84.

Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Vũ Thanh. (1992). Hiệu lực của một số thuốc trừ tuyến trùng hại hồ tiêu và biện pháp sử dụng hợp lý. Tạp chí Bảo vệ thực vật 126, 19-20.

Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Vũ Thanh. (1996). Hiệu lực của thuốc thảo mộc HBJ, LBJ đối với tuyến trùng gây bệnh sần rễ hồ tiêu (Meloidogyne incognita). Tạp chí Bảo vệ thực vật 146, 23-25.

Nguyễn Ngọc Châu. (1994). Ảnh hưởng của phân hữu cơ và trồng xen đến tuyến trùng nốt sần ký sinh ở hồ tiêu. Tạp chí Bảo vệ thực vật 137, 9-13.

Nguyễn Ngọc Châu. (1995a). Quy trình phòng trừ tổng hợp tuyến trùng ở cây hồ tiêu, Tuyển tập sinh thái và tài nguyên thực vật. NXB KHKT, Hà Nội, pp. 260-265.

Nguyễn Ngọc Châu. (1995b). Thành phần sâu bệnh hại hồ tiêu ở Tân Lâm – Quảng Trị. Tạp chí Bảo vệ thực vật 139, 14-18.

Nguyễn Vĩnh Trường. (2004). Một số kết quả nghiên cứu vè bệnh chết héo hồ tiêu ở Quảng Trị. Tạp chí BVTV, sô 3: 10-15

Nguyễn Vĩnh Trường. (2008). Kỹ thuật bẫy và theo dõi nguồn bệnh Phytophthora gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu ở trong đất. Tạp chí BVTV, số 4: 13-16.

Nguyễn Vĩnh Trường., ECY. Liew và LW. Burgess. (2006). Hình thức sinh sản hữu tính của Phytophthora capsici Leonian, tác nhân gây bệnh chết héo hồ tiêu. Tạp chí BVTV, số 3: 14-18.

NV. Truong, L.W. Burgess and E.C.Y. Liew (2008). Prevalence and aetiology of Phytophthora foot rot of black pepper in Vietnam. Australasian Plant Pathology 37: 431-442.

Richter K. (1991). Báo cáo tổng kết về “phòng trừ tổng hợp” trong khuôn khổ dự án hồ tiêu Tân Lâm, Việt Nam. Viện Nông nghiệp nhiệt đới, Trường Đại học Tổng Hợp Leipzig, Leipzig, 41 trang.

Tran Thi Thu Ha (2007) Interaction between biosurfactant-producing Pseudomonas and Phytophthora species. PhD thesis, Wageningen University.

Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Hoài Thạch Thảo, Nguyễn Tăng Tôn. (2011). Phòng trừ bệnh chết nhanh hồ tiêu bằng biện pháp hóa học, sinh học và xây dựng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp cho cây hồ tiêu tại Cam Lộ – Quảng Trị. Hội thảo quốc gia bệnh hại thực vật Việt Nam lần thứ 10 tại Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội 20-22/7/2011, trang 163-172. Nhà xuất bản nông nghiệp Hà Nội 2011.