Chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) đóng một vai trò quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của ngành Khoa học cây trồng (KHCT) nói riêng, của Khoa Nông học và Nhà trường nói chung. Trước xu thế hội nhập và nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các lĩnh vực sản xuất cây trồng trong cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, việc thường xuyên cải thiện chất lượng CTĐT là yếu tố sống còn của một ngành đào tạo.
“Đánh giá ngoài chương trình đào tạo” là quá trình khảo sát, đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xác định mức độ chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (Đánh giá ngoài chương trình đào tạo được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT ).
Đoàn chuyên gia của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (KĐCLGD-ĐHQGHN)
Công cụ đánh giá được thực hiện theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của giáo dục đại học gồm 11 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí (theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, ngày 14/03/2016 của Bộ GDĐT), 11 tiêu chuẩn đó là (1) Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; (2) Bản mô tả chương trình đào tạo; (3) Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; (4) Phương pháp tiếp cận trong dạy và học; (5) Đánh giá kết quả học tập của người học; (6) Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; (7) Đội ngũ nhân viên; (8) Người học và hoạt động hỗ trợ người học; (9) Cơ sở vật chất và trang thiết bị; (10) Nâng cao chất lượng; (11) Kết quả đầu ra.
Mục đích của việc đánh giá ngoài (kiểm định chất lượng) chương trình Đào tạo gồm:
– Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
– Xác nhận mức độ chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định.
– Làm căn cứ giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng của chương trình đào tạo.
– Làm cơ sở cho người học lựa chọn chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Từ ngày 18/12/2021 – 22/12/2021), đoàn chuyên gia của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (KĐCLGD-ĐHQGHN) đã tiến hành khảo sát chính thức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo ngành Khoa học cây trồng, thuộc khoa Nông học Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế.
GS.TS. Hoàng Thị Thái Hoà, Trưởng Khoa Nông học – Trình bày báo cáo tổng quan về chương trình ngành Khoa học cây trồng
Đoàn chuyên gia đã nghiên cứu hồ sơ minh chứng và các tài liệu liên quan; phỏng vấn và thảo luận với 07 nhóm đối tượng liên quan trong và ngoài trường; làm việc trực tiếp và online với đội ngũ giảng viên, cán bộ phụ trách chuyên môn tại Khoa Nông học, cán bộ phục vụ đào tạo của các phòng ban liên quan đánh giá các hoạt động giảng dạy – học tập;, khảo sát cơ sở vật chất phục vụ cho các chương trình đào tạo như thư viện, phòng tư liệu, phòng thực hành, thí nghiệm, lớp học, sân bãi … của Khoa và Nhà trường.
Kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu của đoàn chuyên gia cho thấy đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của kiểm định chất lượng. Chương trình đào tạo trình độ Đại học ngành Khoa học cây trồng có nhiều điểm mạnh như: 1) Đội ngũ giảng viên và cán bộ hỗ trợ tâm huyết, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao; 2) Các hình thức tổ chức dạy, học và phương pháp đánh giá đa dạng và khách quan; 3) Bài giảng, giáo trình được cập nhật, đáp ứng kịp thời với nông nghiệp 4.0; 4) Đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; 5) Các kết quả nghiên cứu khoa học được cải tiến trong giảng dạy và áp dụng trong thực tế sản xuất. Ngoài ra chương trình còn một số mặt hạn chế, phải khắc phục và cải tiến trong thời gian tới như đa dạng hóa hơn nữa phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất các phòng thực hành, thực tập…
Một điểm nhấn nữa của ngành Khoa học cây trồng là tỷ lệ việc làm của các em sinh viên sau khi tốt nghiệp tương đối cao (80%) và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong xu hướng hội nhập quốc tế.
Đoàn chuyên gia đến thăm và khảo sát tại Khoa Nông học
Đánh giá ngoài CTĐT sẽ giúp Nhà trường, Khoa Nông học tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng của CTĐT, là căn cứ xây dựng triển khai các kế hoạch hành động nhằm cải tiến nâng cao chất lượng CTĐT, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thể hiện tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của Nhà trường trong toàn bộ hoạt động đào tạo, NCKH và các dịch vụ xã hội khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với sứ mạng và mục tiêu đã được xác định.