Vai trò của Nông nghiệp công nghệ cao và giải pháp phát triển

Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một xu thế tất yếu hiện nay. Bởi đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ đáp ứng các nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội như tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm quỹ đất… Tuy nhiên, để có thể ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam cần có các điều kiện tiên quyết như khả năng tài chính, năng lực tiếp thu, ứng dụng, trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN), cơ chế chính sách. Qua đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần đưa ra các biện pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể trong nước.

Vai trò của nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp cũng như các ngành khác luôn phải gắn liền với việc ứng dụng tiến bộ KH&CN mà với bản chất của nó, KH&CN lại không ngừng phát triển. Như vậy, ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, KH&CN lại có sự phát triển khác nhau và theo quy luật của sự phát triển thì giai đoạn sau bao giờ cũng cao hơn giai đoạn trước.

Trong giai đoạn hiện nay khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra thì KH&CN nói chung và KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã có sự phát triển ở trình độ rất cao. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu. Điều này cho thấy nông nghiệp công nghệ cao không phải là quá trình độc lập, riêng rẽ mà nó chỉ là một trong những quá trình phát triển tiếp tục của nông nghiệp trong giai đoạn hiên nay.

Ngày nay, quốc gia nào cũng muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam là tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Vai trò của nông nghiệp công nghệ cao thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nông nghiệp công nghệ cao là cơ sở để sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai. Để phát triển ngành nông nghiệp, tất cả các quốc gia đều có mục tiêu là tăng về sản lượng và chất lượng của nông sản. Tuy nhiên, đối với ngành nông nghiệp, để làm được điều đó, đất đai đóng vai trò rất quan trọng. Bởi năng suất và sản lượng cây trồng phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng đất đai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam nói riêng và tất cả các nền nông nghiệp trên thế giới nói chung là đều phải đương đầu với tình trạng khan hiếm về tài nguyên đất trong khi nhu cầu xã hội về nông sản tăng lên vô hạn. Sự khan hiếm về tài nguyên đất, nhất là đất nông nghiệp vì các lý do sau đây: giới hạn bởi ranh giới của từng loại đất, ranh giới vùng miền, từng quốc gia. Mặt khác, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá ở các quốc gia ngày một gia tăng, làm suy giảm diện tích đất dành cho nông nghiệp. Trong khi đó, do sự biến đổi khí hậu mà phần diện tích đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, sa mạc hoá có xu hướng tăng lên. Với những lý do chủ yếu như trên thì sự khan hiếm đất nông nghiệp tất yếu sẽ xuất hiện.

Thứ hai, nông nghiệp công nghiệp cao cho phép gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tăng thêm các yếu tố đầu vào trên một đơn vị diện tích để tăng sản lượng. Tuy nhiên trên cùng đơn vị diện tích, mức tăng thêm đầu vào phải hợp lý để mức tăng thêm về sản phẩm hay giá trị sản phẩm nhanh hơn, từ đó mới có hiệu quả kinh tế. Kết quả cuối cùng để xem xét hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao là giá trị sản phẩm thu được có lớn hơn giá đầu vào và chi phí đầu tư thêm. Đôi khi, có tăng thêm sản phẩm, nhưng giá lại không tăng hoặc giảm, nông nghiệp công nghệ cao đó không hiệu quả. Do đó, tiến hành nông nghiệp công nghệ cao không phải là quá trình đầu tư thêm bằng mọi giá, mà phải tính toán và đặc biệt phải gắn liền với điều kiện thị trường về đầu vào và đầu ra một cách cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần có các điều kiện tiên quyết như: khả năng tài chính, khả năng tiếp thu và ứng dụng, trình độ KH&CN và cơ chế chính sách… Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp còn lạc hậu, chỉ hơn 10 triệu hộ nông dân và vài trăm nghìn trang trại quy mô nhỏ, đất đai manh mún, khả năng tài chính hạn chế. Chính vì vậy, quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện chính sách và các hoạt động quản lý vĩ mô đối với nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề phức tạp đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện chính sách, cải tiến công tác lãnh đạo và chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Trước hết là cán bộ trực tiếp lãnh đạo, phải không ngừng nâng cao trình độ KH&CN và quản lý kinh tế, nhạy bén giải quyết tốt các vấn đề mới nảy sinh trong nông nghiệp và trong quá trình thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo phải không ngừng nâng cao phương pháp công tác và tinh thần trách nhiệm đối với công việc trên cơ sở đó mới giải quyết đúng đắn các mối quan hệ trong công tác lãnh đạo sản xuất, lãnh đạo và chỉ đạo nông nghiệp công nghệ cao. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp và hiện nay cũng rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những tín hiệu rất tốt, tuy nhiên, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiên các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chính sách đất đai, tín dụng, thuế… và đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hai là, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao của các nước. Trong những năm, các nước công nghiệp phát triển và nhiều nước khác trên thế giới đã rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, các nước đó đã tập trung đầu tư vào nông nghiệp và họ đã nhận được những thành quả to lớn trong việc tăng nhanh năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Trong các nước nói trên, Israel và Nhật Bản là những quốc gia nổi bật và rất đáng quan tâm học hỏi. Trong các thành công mà Israel áp dụng thì các chương trình nghiên cứu nhằm gia tăng lượng nước để tưới tiêu trong điều kiện khô hạn đang được tiến hành một cách hiệu quả, đặc biệt là chương trình tưới tiêu nhỏ giọt, hay tăng lượng nước mưa (tạo mưa nhân tạo), khử mặn trong nước và sử dụng các hệ thống lọc nước để tái sử dụng. Các nghiên cứu mới đã dẫn tới việc khai thác nước mặn ở các bể chứa nước khổng lồ tại sa mạc Negrev (phía nam của Israel), dùng cho một số giống cây phù hợp.

Ba là, áp dụng những thành tựu của công nghệ cao. Việc áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là điều kiện có tính chất quyết định để nâng cao hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao. Từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua cho thấy, muốn nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả cần tập trung đầu tư vào các yếu tố công nghệ chủ yếu như nâng cao chất lượng giống phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng; đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch tiết kiệm và có hiệu quả; sử dụng tốt vấn đề phân bón, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh có kiểm soát và hiệu quả…

Cuối cùng, ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cơ giới hóa và tự động hóa là phương pháp sản xuất hiện đại mà tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải đều phải đầu tư mua sắm, trang bị để nâng cao năng suất và hiệu quả. Vì vậy, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao tất yếu phải áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của nông nghiệp. Phải xây dựng, hình thành quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng và gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế cụ thể từng địa phương nhằm phát huy tối đa tác dụng của những yếu tố tự nhiên và cơ sở vật chất sẵn có để nâng cao năng suất và hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Trần Quốc Khánh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nguồn: https://vjst.vn