1. Quá trình thành lập bộ môn
Bộ môn Khoa học Cây trồng thuộc Khoa Nông học hiện nay được thành lập tiền thân từ các bộ môn sau đây:
– Bộ môn Nông hóa- Thổ nhưỡng, Bộ môn Canh tác – Khí tượng – Thủy nông, Bộ môn Cây công nghiệp, Bộ môn Cây lương thực (thuộc Khoa Trồng trọt): Ngay khi Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc được thành lập (14/8/1967);
– Bộ môn Nông hóa – Thổ nhưỡng, Bộ môn Canh tác – Khí tượng – Thủy nông, Bộ môn Cây trồng (thuộc Khoa Trồng trọt): Từ khi Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc sáp nhập với Trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế (05/8/1983);
– Bộ môn Khoa học đất và Phân bón, Bộ môn Cây trồng chuyên khoa (thuộc Khoa Nông học): Từ khi Trường Đại học Nông nghiệp II Huế trở thành một trường thành viên của Đại học Huế với tên là Trường Đại học Nông Lâm (4/4/1994) và Khoa Trồng trọt đổi tên thành Khoa Nông học;
– Bộ môn Cây trồng chuyên khoa, Bộ môn Canh tác học (thuộc Khoa Nông học): Từ khi Bộ môn Khoa học đất và Phân bón được tách về Khoa Tài nguyên Đất và Môi trường Nông nghiệp tháng 2/2005;
– Bộ môn Cây trồng, Bộ môn Nông hóa- Thổ nhưỡng (thuộc Khoa Nông học): Từ khi thành lập lại bộ môn Nông hóa – Thổ nhưỡng trên cơ sở Bộ môn Canh tác học và các cán bộ từ Bộ môn Khoa học Đất và Môi trường của Khoa Tài nguyên Đất và Môi trường Nông nghiệp chuyển về tháng 12/2013 và tháng 11/2017);
– Từ tháng 7/2020 sáp nhập 02 Bộ môn: Cây trồng và Nông hóa- Thổ nhưỡng thành Bộ môn Khoa học Cây trồng (thuộc Khoa Nông học).
2. Cơ cấu tổ chức hiện tại
Hiện tại bộ môn gồm 16 cán bộ, giảng viên.
3. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu
Hiện tại bộ môn đang quản lý các cơ sở phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu sau:
(1) Phòng thực hành cây trồng
– Phòng thực hành cây trồng rộng khoảng 100 m2, có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ để phục vụ giảng dạy các bài thực tập, thực hành các học phần cây trồng
– Phòng thực hành cây trồng đã hoạt động tích cực, phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của bộ môn và khoa.
(2) Phòng thực hành nông hóa thổ nhưỡng
– Phòng thực hành rộng khoảng 100 m2 đủ các thiết bị, máy móc để thực hiện các bài thực tập thuộc các học phần nông hóa thổ nhưỡng như: Thổ nhưỡng, phân bón, giá thể và dinh dưỡng cây trồng,…
– Phòng thí nghiệm Nông hóa thổ nhưỡng có bề dày về năng lực phân tích nhằm phục vụ cho giảng dạy thực tập, đào tạo và nghiên cứu của bộ môn.
– Ngoài việc phục vụ đào tạo và nghiên cứu, phòng thí nghiệm còn thực hiện dịch vụ phân tích cho các đơn vị, cá nhân trong và ngoài trường có nhu cầu phân tích mẫu đất, phân bón, nước và thực vật.
4. Hoạt động đào tạo
(1) Đào tạo các bậc đào tạo
– Đào tạo đại học: đào tạo các ngành Khoa học cây trồng, Nông học và Khoa học đất.
– Đào tạo cao học: ngành Khoa học cây trồng
– Đào tạo tiến sỹ: ngành Khoa học cây trồng.
(2) Tham gia các bậc đào tạo
– Đào tạo đại học: tham gia đào tạo các ngành Bảo vệ thực vật, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan; Chuyên ngành Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, Sinh học ứng dụng.
– Đào tạo cao học: tham gia đào tạo ngành Bảo vệ thực vật.
– Đào tạo tiến sỹ: tham gia đào tạo ngành Bảo vệ thực vật.
(3) Tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn:
– Nghiên cứu và sản xuất rau
– Kỹ thuật chế biến phân hữu cơ
– Phương pháp phân tích đất, phân bón, cây trồng
– Tư vấn về chuyển giao các kỹ thuật trong sử dụng đất, phân bón cho sản xuất cây trồng, sản xuất phân bón hữu cơ, quy hoạch nông thôn mới,…
5. Các hướng nghiên cứu khoa học chính và chuyển giao KHKT
– Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác sản xuất cây trồng theo hướng VietGAP và nông nghiệp hữu cơ, các biện pháp kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
– Nghiên cứu sản xuất cây trồng, đất, phân bón và vi sinh vật theo hướng bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
– Nghiên cứu bảo tồn các giống cây trồng bản địa; các giống cây trồng chống chịu với điều kiện bất thuận
– Bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, nhất là các loại đất có vấn đề.
– Nghiên cứu kinh tế sử dụng đất và phân bón.
– Nghiên cứu vi sinh vật đất và phân bón phục vụ cho công tác chọn tạo các chủng vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón mới, các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón.
– Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo về kỹ thuật phù hợp với trình độ lao động và khả năng đầu tư; về hiệu quả phải đảm bảo có sức cạnh tranh cao theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để nghiên cứu đề xuất các phương án sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả cao.
Các kết quả nghiên cứu của cán bộ, giáo viên trong bộ môn đã được chuyển giao ra sản xuất:
– Các giống lúa chịu mặn OM8104, MNR3 đã được trồng thử tại một số vùng của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
– Chuyển giao quy trình trồng khoai lang Nhật tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
– Quy trình sản xuất phân hữu cơ.
– Các dịch vụ phân tích đất, phân bón và cây trồng.
– Quy trình nhân giống và sản xuất nấm ăn (nấm Rơm, nấm Sò, nấm Mộc Nhĩ, nấm Trân Châu….)
– Quy trình nhân giống và sản xuất nấm dược liệu (nấm Linh Chi, nấm Vân Chi…)