Hội đồng bao gồm các thành viên của BQLDA, đại diện nhóm đối tác và các chuyên gia độc lập. Với kinh nghiệm lâu năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Hội đồng đã đánh giá các đề án một cách khách quan và dựa trên các tiêu chí : sự phù hợp, tính khả thi, sự hiệu quả, kết quả dự kiến đạt được và tính bền vững.
Theo đánh giá của các thành viên trong hội đồng, nhìn chung các đề án đều khẳng định được sứ mệnh, chức năng và nhiệm vụ cũng như lên kế hoạch chuẩn bị chương trình đào tạo, nghiên cứu, tư vấn cho Trung tâm nhằm phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục đại học của ngành/ lĩnh vực. Nhận thức được sự cần thiết thành lập và phát triển Trung tâm POHE, đó là đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục đại học, hầu hết các trường đã chỉ ra được tính khả khi xây dựng trung tâm thông qua lộ trình, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, năng lực xây dựng chương trình, cơ cấu tổ chức quản lý qua các năm. Tiêu chí này được Hội đồng coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định trung tâm tại trường nào có tính khả thi nhất. Ngoài ra, Hội đồng cũng đưa ra các góp ý cho từng đề án để có cái nhìn khách quan và đánh giá một cách hiệu quả nhất về các tiêu chí khác của việc thành lập Trung tâm tại các trường.
Hiện tại văn phòng Ban quản lý Dự án đã hoàn thành việc tổng hợp phiếu điểm và ý kiến nhận xét của các thành viên Hội đồng và sẽ sớm trình lên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, phê duyệt.
Có thể thấy việc thành lập trung tâm POHE không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với các cơ sở giáo dục đại học đang có chương trình đào tạo POHE mà còn các cơ sở đào tạo giáo dục khác. Trung tâm POHE hứa hẹn sẽ trở thành nguồn cung cấp, chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật POHE để các trường đại học thực hiện thành công đào tạo theo nhu cầu của xã hội và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.
T.T.T.G ( Theo Dự án POHE 2)