Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp số

124

Trong gần 4 tháng, đại dịch Covid -19 hoành hành đã dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng , tiêu thụ hàng hóa. Các loại nông sản, thực phẩm ùn ứ tại nơi sản xuất trong khi trên thị trường, người tiêu dùng phải chịu giá rất cao. Nguyên nhân chính yếu của vấn đề này là trong quá khứ chỉ có một kênh phân phối nông sản thực phẩm thông qua chợ đầu mối. Khi kênh này bị ảnh hưởng bởi đại dịch, toàn bộ chuỗi gần như bị chặt đứt.

Cần thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

Trước tình hình nói trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo nhiều hoạt động hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản. Cụ thể như thành lập tổ công tác 970 giải quyết bài toán đa dạng hóa các mô hình cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP.HCM và các tỉnh khác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã đề nghị một số giải pháp cụ thể như chủ động tập hợp đầu mối và nắm bắt nhu cầu của thị trường để tham gia hiệu quả việc cung ứng cho các tỉnh, thành có nhu cầu, đồng thời thúc đẩy lưu thông tiêu thụ tại chỗ. Quan trọng hơn, cần thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho cả cơ quan quản lý lẫn nông dân trong việc điều chỉnh quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi gắn với thị trường đầu ra.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nói trên, trong một thời gian ngắn, tổ công tác 970 và các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như nắm rõ đầu mối, sản lượng nông sản trên địa bàn, thiết kế các gói (combo) nông sản và thực phẩm nhằm tạo chuỗi cung ứng thay thế trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng sáng tạo nhiều cách kết nối trực tiếp từ nhà cung cấp đến các điểm đặt hàng tạo ra giải pháp bán hàng trên thị trường. Cuối cùng là giải pháp xe bán hàng lưu động kết hợp đặt trước 2 – 3 ngày. Các phương án này giúp người mua, người bán kết nối trực tiếp với nhau, hạn chế trung gian nên chi phí vận hành thấp và giúp giá bán rẻ hơn, thời gian tiếp cận khách hàng cũng được rút ngắn hơn.
Kết quả nói trên rất đáng khích lệ tại đầu ra của chuỗi cung ứng nông sản. Tuy nhiên, việc phát triển lớn hơn và hiệu quả hơn các giải pháp kết nối trực tiếp này đòi hỏi sự chuyển đổi sâu sắc từ đầu cung của các chuỗi cung ứng: các nông trại, nông dân và hợp tác xã. Có thể nói đầu ra của chuỗi cung ứng đã được chuyển đổi thông minh với xu hướng chuyển đổi nhanh chóng của khách hàng khi chuyển sang sử dụng số. Tương tự như vậy, các công ty cung ứng cũng nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh và vận chuyển.
Tuy nhiên, nếu đầu ra chuyển đổi nhanh chóng bao nhiêu thì đầu sản xuất lại chậm thay đổi bấy nhiêu. Từ tháng 7 tới nay, khi triển khai chương trình phỏng vấn các chủ nông trại nhằm giúp các nông trại thích ứng nhanh với đại dịch, chúng tôi nhận thấy ngay cả việc sử dụng Zoom thì không phải chủ nông trại nào cũng biết và sử dụng thành thạo. Thực tế đó phản ánh một vấn đề quan trọng trong nông nghiệp thông minh: nhân lực số. Chuỗi cung ứng chỉ trở thành thông minh khi tất cả thành phần trong chuỗi bao gồm sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ số hóa đồng bộ cùng nhau. Không thể chuyển đổi các nông trại và chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm sang số hóa mà quên đi công tác đào tạo nhân lực số.

Nhân lực cho nông nghiệp thông minh chưa được quan tâm đúng mức

Đối tượng quan trọng nhất cần được đào tạo chính là các chủ nông trại, chủ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, như Thứ trưởng Trần Thanh Nam có đề cập. Lãnh đạo các cơ sở nông nghiệp truyền thống cần được đào tạo để thay đổi nhận thức về mô hình kinh doanh nông sản và thực phẩm; về đổi mới sáng tạo nhằm tự chuyển đổi các sản phẩm nông nghiệp truyền thống để phù hợp với kinh doanh số. Thứ hai, họ cũng cần được đào tạo về tư duy và năng lực lãnh đạo nhằm tự thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua khó khăn; cách quản trị nông trại tinh gọn để tiết giảm chi phí vận hành và cải thiện chất lượng cũng như năng suất. Kế tiếp chính là các chương trình đào tạo giúp cho chủ doanh nghiệp hiểu được đại cương về các công nghệ mang lại những giá trị vượt trội cho các sản phẩm nông nghiệp. Cuối cùng không thể thiếu được, họ cần phải được cập nhật các kiến thức về nông nghiệp bền vững tuần hoàn hướng tới 17 mục tiêu bền vững của UNDP. Các chương trình đào tạo cần được triển khai định kỳ tại các địa phương theo hình thức tập trung. Sau đó, các giải pháp như huấn luyện (coaching), hướng dẫn (mentoring) và tư vấn sẽ được triển khai giúp các chủ nông trại hoặc hợp tác xã nắm và vận dụng được kiến thức vào thực tế.
Nhóm hai của chương trình đào tạo chính là các đề tài về công nghệ hướng tới các nhân viên trực tiếp vận hành tại nông trại. Các chương trình này cần được thiết kế chuyên sâu, thực dụng và có tính thực tiễn cao trong công việc giúp cho người học sử dụng được ngay. Ví dụ đào tạo điều khiển máy bay không người lái Drone sẽ phải được thiết kế dựa trên các loại máy bay sẵn có trên thị trường cũng như lưu ý các vấn đề sử dụng tại địa phương; các chương trình công nghệ bao gồm trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IoT và các hệ thống điều khiển tự động. Các chương trình đào tạo này cần được triển khai qua các trung tâm nông nghiệp hoặc các trường đại học, viện nghiên cứu có sẵn các mô hình hoặc trang thiết bị để học viên có thể học và thực tập ngay tại thực địa.

Nhóm ba của chương trình đào tạo chính là kỹ năng sử dụng và vận hành các thiết bị, phần mềm, công cụ và nền tảng công nghệ. Ví dụ giải pháp truy xuất nguồn gốc muốn hoạt động được sẽ cần các công nhân cập nhật ngay các thông tin trên thiết bị cầm tay vào hệ thống điện toán đám mây. Hệ thống AI và dữ liệu lớn vận hành được sẽ cần rất nhiều các hình ảnh cập nhật từ các nông dân canh tác trên ruộng. Các nông trại cũng cần được đào tạo kiến thức chuyên môn về thị trường, chuỗi cung ứng, marketing, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, bán hàng, xây dựng thương hiệu cũng như các công nghệ và giải pháp 4.0 cho các hoạt động kinh doanh số. Nông nghiệp thông minh và số hóa, cũng như bất kỳ các ngành khác, luôn cần công nghệ và nguồn nhân lực. Trái ngược với công nghệ được nhiều công ty và tổ chức cũng như các công ty nước ngoài đầu tư phát triển, phần vốn nhân lực cho nông nghiệp thông minh chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức. Vốn nhân lực nông nghiệp thông minh bị thiếu hụt sẽ dẫn tới các nông trại không thể triển khai chuyển đổi số để đồng bộ hóa với chuỗi cung ứng.
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao sẽ cản trở các nông trại áp dụng công nghệ hiệu quả để gia tăng năng suất, chất lượng cũng như tạo ra các giá trị công nghệ mới, ví dụ việc truy xuất nguồn gốc. Nguồn nhân lực nông nghiệp thiếu hụt các kỹ năng số sẽ dẫn tới hiệu suất và năng suất lao động giảm sút mặc dù có được sử dụng các công cụ công nghệ cao. Cuối cùng, các nông trại sẽ rất khó có những giải pháp tiếp cận thị trường đáp ứng các thay đổi về chuỗi cung ứng như đã nêu ở trên. Một chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp thông minh cần được hình thành càng sớm càng tốt trên cơ sở phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Giáo dục – Đào tạo nhằm phục vụ kịp thời nông nghiệp thông minh và số hóa.

(Nguồn: Theo nongthonviet.com.vn)