VAI TRÒ CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỐI VỚI SINH VIÊN

Nghiên cứu khoa học trong sinh viên không đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải cao siêu, có tầm vóc…Mục tiêu chính của nghiên cứu khoa học ở bậc đại học, cao đẳng là trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học độc lập để hỗ trợ cho hoạt động học tập và chuẩn bị cho các dự án thật sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy, khi tiếp cận nghiên cứu khoa học trong sinh viên, mục tiêu nên đặt nhiều trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu hay quá trình tiến hành nghiên cứu (phát hiện vấn đề, xây dựng đề cương, tổ chức thực hiện, phương pháp thực hiện, tìm kiếm tài liệu, thu thập thông tin, thí nghiệm, quan sát, phân tích số liệu, thử nghiệm kết quả, viết báo cáo, trình bày báo cáo) chứ không đặt nặng vào kết quả nghiên cứu/ sản phẩm cuối cùng. Hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận, làm đề tài nghiên cứu, tham gia các cuộc thi khoa học công nghệ… mang lại những ý nghĩa thiết thực cho sinh viên như: rèn khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm nào đó, rèn kỹ năng, phân tích, tổng hợp kiến thức, khả năng tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, nghiên cứu khoa học còn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường như:

  • Thứ nhất, khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học trên giảng đường. Đồng thời, sinh viên được bổ sung thêm những kiến thức ngoài sách vở khi nghiên cứu các đề tài khoa học. Trong quá trình thực hiện sinh viên có thể nhận ra những bài học tưởng chừng như cằn cỗi trong sách vở hóa ra lại sinh động ở trong đời sống thực tế. Quá trình đi khảo sát, điều tra, phỏng vấn … sinh viên sẽ được làm những công việc của một cử nhân thực thụ đang làm việc trong một công ty, cơ quan nào đó. Đây thực sự là một trải nghiệm mới về những điều chúng ta quan tâm, yêu thích xung quanh nhằm khám phá bản thân. 
  • Thứ hai, NCKH giúp sinh viên biết cách thực hiện những công việc khoa học như: lập kế hoạch, bố trí thời gian, phân công nhiệm vụ trong nhóm… Điều này sẽ tạo cho chúng ta tư duy logic, biện chứng và cái nhìn bao quát mọi việc – đó là tầm nhìn của người quản lý, của lãnh đạo – điều quan trọng để gia tăng trải nghiệm, cơ sở nền tảng phát triển năng lực làm việc sau khi ra trường. Đồng thời, NCKH cũng giúp sinh viên có tác phong làm việc tích cực, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên trong nhóm, cùng nhau giải quyết những khó khăn, rắc rối nảy sinh, nâng cao kỹ năng thuyết trình và bảo vệ đề tài trước hội đồng… Đó là kinh nghiệm rất quý khi sinh viên thực sự bắt tay vào làm việc tại các công ty.
  • Thứ ba, NCKH tạo môi trường để mở rộng mối quan hệ với bạn bè, anh chị, thầy cô trong Trường và các tổ chức, cơ quan bên ngoài xã hội. Nắm trong tay những mối quan hệ tốt đẹp đó cũng là một lợi thế, để sinh viên có thể học hỏi, mở mang tầm kiến thức đa đạng và phong phú hơn,… Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên khi tiếp cận công việc thực tế sau này.

Với những lợi ích đó, có thể nói NCKH đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sinh viên trong thời đại hiện nay./.

(Nguồn: http://mitc.edu.vn/hoi-sinh-vien/vai-tro-cua-nghien-cuu-khoa-hoc-doi-voi-sinh-vien.html)