Thông tin tuyển sinh ngành Bảo vệ thực vật (Plant Protection)

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM – ĐẠI HỌC HUẾ

KHOA NÔNG HỌC

——————————————————————

THÔNG TIN TUYỂN SINH

NGÀNH BẢO VỆ THỰC VẬT

(PLANT PROTECTION)

1. Giới thiệu về chuyên ngành Bảo vệ thực vật

Ngành bảo vệ thực tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế bắt đầu được đào tạo từ năm 1994, đến nay đã tuyển sinh được 22 khóa, số lượng sinh viên hàng năm từ 50-100 sinh viên/khóa. Ngành BVTV là một trong những ngành có sinh viên đầu vào ổn định, các sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm cao ở các doanh nghiệp, các xí nghiệp và cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu BVTV, các trường trung học, cao đẳng, đại học về nông nghiệp trên cả nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

Ngành BVTV đào tạo ra các bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cây trồng là một trong những ngành đào tạo có chất lượng cao, uy tín của Trường Đại học Nông Lâm- Đại học Huế. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chăm sóc sức khỏe cây trồng cho các, nông trại và nông trường, kiểm dịch thực vật, kinh doanh các vật tư BVTV, tư vấn về công tác BVTV, tham mưu cho lãnh đạo các cấp về công tác BVTV, nhà nghiên cứu về BVTV, nhà giáo. Trong quá trình học tập tại trường, sinh viên có cơ hội học tập ở nhiều doanh nghiệp, cơ quan trong và ngoài nước để rèn luyện kiến thức và kỷ năng nghề nghiệp. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể có cơ hội để học lên thạc sĩ và tiến sĩ về BVTV tại trường, trong nước và ngoài nước để trở thành các chuyên gia hành đầu về lĩnh vực BVTV. Qua khảo sát thị trường lao động trong những năm qua, ngay khi ra trường sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành BVTV trên 90% có việc làm với thu nhập cao và ổn định.

Đội ngũ giảng viên đào tạo ngành BVTV là các GS, PGS, TS là các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực BVTV được đào tạo từ các nước phát triển như Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp… Các giảng viên đã có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong nước và có nhiều sáng kiến, sản phẩm khoa học phục vụ sản xuất, có uy tín cao trong cộng đồng các nhà khoa học về BVTV trong nước và quốc tế.

 

Hình 1. Hoạt động chuyển giao khao học công ngh

 

Hình 2. Giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ

2. Cơ hội việc làm

– Các cơ quan quản lý nhà nước và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp từ trung ương đến địa phương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Hội Nông dân…

– Trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; Các viện và trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp.
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông.
– Công ty sản xuất và kinh doanh nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sát trùng, hoa viên cây cảnh…); HTX nông nghiệp, Khu du lịch, di tích, sân gôn và resort.
– Ngân hàng (phụ trách các dự án nông nghiệp); Cửa khẩu quốc tế; Dự án phát triển; Tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.

3. Thông tin tuyển sinh năm 2017

Tên chương trình đào tạo: Bảo vệ thực vật
Tên tiếng Anh: Plant Protection
Mã ngành: D620112
Loại hình đào tạo: Chính quy, tập trung
Cấp bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Bảo vệ thực vật
Thời gian đào tạo: 4 năm (128 tín chỉ)
Chỉ tiêu tuyển sinh: 100 chỉ tiêu
Môn thi: A00 (Toán, Lý, Hóa)

B00 (Toán, Hóa, sinh)

Một số thông tin khác: Tuyển sinh cả nước; Tuyển sinh dựa vào
điểm kỳ thi THPT Quốc gia

4. Chương trình đào tạo ngành Bảo vệ thực vật

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học có kiến thức và kỹ năng về Bảo vệ thực vật; có thái độ lao động nghiêm túc và có đạo đức nghề nghiệp, có sức khoẻ; có khả năng hợp tác và quản lý nguồn lực; khả năng thích ứng với công việc đa dạng ở các cơ quan khoa học, quản lý sản xuất, doanh nghiệp hoặc tự tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ Bảo vệ thực vật

2. Thời gian đào tạo: 4,0 năm

3. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 128tín chỉ

4.Đối tượng tuyển sinh: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo

5.Quy trình đào tạo: Theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (ban hành kèm theo Quyết định số 17/VBHN-BGDĐT ngày15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo)

6. Chuẩn đầu ra:

6.1. Chuẩn về kiến thức

a. Chuẩn khối kiến thức chung toàn Đại học Huế 

– Vận dụng được các kiến thức Giáo dục thể chất, An ninh quốc phòng, về tư tưởng, đạo đức cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh vào nghề nghiệp và cuộc sống;

– Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng; Giáo dục thể chất và vận dụng được kiến thức về ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường (B1).

b. Chuẩn khối kiến thức lĩnh vực

– Có khả năng vận dụng các kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, xã hội nhân văn, nhà nước và pháp luật làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho ngành Bảo vệ thực vật;

–  Đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và Ứng dụng được trong công việc chuyên môn.

c. Kiến thức chung khối ngành

Phân tích và áp dụng được các kiến thức khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, tin học làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho khối ngành/ngành khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, nông học và công nghệ rau hoa quả và cảnh quan.

d. Kiến thức về nghề nghiệp

– Nắm vững kiến thức lý thuyết và thực tiễn để xây dựng và thực hiện quy trình phòng trừ sinh vật hại các loại cây trồng theo hướng nông nghiệp an toàn, bền vững; thực hiện quy trình phòng trừ sinh vật hại rừng;

– Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ phù hợp để giám định chính xác các đối tượng sinh vật hại thực vật và đối tượng kiểm dịch thực vật;

– Hiểu rõ và thực hiện công tác điều tra sự phát sinh, dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật hại trên các loại cây trồng và thực vật rừng. Thực hiện tổng kết, báo cáo kết quả điều tra, dự tính dự báo sinh vật hại;

– Xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất sản xuất cây trồng ở quy mô sản xuất hàng hóa;

– Phân tích đánh giá thị trường, hoạch toán hiệu quả kinh tế, tổ chức các hoạt động kinh doanh các sản phẩm bảo vệ thực vật;

– Nắm vững và vận dụng các kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường của của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực bảo vệ thực vật.

6.2. Chuẩn về kỹ năng

a. Kỹ năng về nghề nghiệp (kỹ năng cứng)

– Lập kế hoạch và thực hiện công tác khuyến nông (lập kế hoạch, tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ….) trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; thiết kế và xây dựng mô hình trình diễn;

– Xây dựng đề cương nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiên cứu, viết và báo cáo kết quả nghiên cứu;

– Lập được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho cá nhân, nhóm, tập thể.

b. Kỹ năng mềm

– Kỹ năng tự chủ (các kỹ năng học và tự học suốt đời, quản lý thời gian và tự chủ, thích ứng với sự phức tạp của thực tế, hiểu biết văn hóa, hiểu và phân tích kiến thức – kỹ năng của một cá nhân khác để học tập suốt đời…);

– Kỹ năng làm việc theo nhóm (hình thành nhóm, duy trì hoạt động nhóm, phát triển nhóm và kỹ năng làm việc với các nhóm khác nhau);

– Kỹ năng quản lý và lãnh đạo (điều khiển, phân công và đánh giá hoạt động nhóm và tập thể, phát triển và duy trì quan hệ với các đối tác; khả năng đàm phán, thuyết phục và quyết định trên nền tảng có trách nhiệm với xã hội và tuân theo luật pháp);

– Kỹ năng giao tiếp (lập luận sắp xếp ý tưởng, giao tiếp bằng văn bản và các phương tiện truyền thông, thuyết trình, giao tiếp với các cá nhân và tổ chức, …);

– Sử dụng các phương pháp và nghệ thuật trong quá trình giao tiếp, đàm phán phù hợp với các đối tác liên quan đến công việc;

– Hiểu biết đạo đức, văn hoá, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục, các vấn đề về đạo đức xã hội và ứng xử phù hợp trong từng tình huống trong công việc.

– Kỹ năng lập lập kế hoạch, thiết kế và tổ chức các công việc liên quan đến khuyến nông;

6.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm

– Có năng lực khởi nghiệp;

– Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ về Bảo vệ thực vật;

– Có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao;

– Có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau;

– Tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về Bảo vệ thực vật;

– Có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật về Bảo vệ thực vật;

– Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể;

– Có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động Bảo vệ thực vật ở quy mô trung bình;

– Ý trức trách nhiệm với công việc, với bản thân và tập thể. Chịu khó học hỏi, cần cù nghiêm túc và trung thực trong công việc, có thái độ yêu nghề và cầu tiến.

7. Cấu trúc chương trình đào tạo

a. Khối kiến thức giáo dục đại cương:31tín chỉ

b. Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 97 tín chỉ

– Kiến thức cơ sở ngành: 24 tín chỉ

    Bắt buộc: 20  tín chỉ

    Tự chọn:4/8 tín chỉ

– Kiến thức chuyên ngành: 45 tín chỉ

    Bắt buộc:37 tín chỉ

    Tự chọn: 8/16 tín chỉ

– Kiến thức bổ trợ: 8 tín chỉ

– Thực tập nghề nghiệp: 10 Tín chỉ

– Khóa luận tốt nghiệp/học phần thay thế: 10 tín chỉ

8. Thang điểm: Thang điểm 10 và chuyển điểm theo quy chế 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ GDĐT.

Hình 3. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học