POHE – Một định hướng đổi mới đúng đắn

182

POHE 2 – 4 năm một chặng đường

Dự án POHE ở Việt Nam giai đoạn 2 (2012 – 2015) tiếp tục được đặt trong bối cảnh Giáo dục Đại học Việt Nam đang tìm kiếm câu hỏi cho những thách thức nổi lên trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Các thành phần xã hội, đặc biệt là thế giới nghề nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn khi doanh nghiệp luôn khao khát tìm kiếm và đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao. Nắm bắt tình hình đó, Dự án POHE 2 ra đời nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như hiện thực hóa mục tiêu “70 – 80% sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp ứng dụng vào năm 2020”, theo Nghị quyết số14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục Đại học Việt Nam.

Tại Hội nghị “Chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng”, Bà Nguyễn Thị Thu Hà – thành viên Ban Quản lý Dự án POHE 2 đã giới thiệu về Dự án và mô hình đào tạo POHE với các đại biểu đến từ Vụ Giáo dục Đại học để có hiểu biết sâu sắc hơn về những đặc điểm cơ bản và cách thức tổ chức và quản lý chương trình POHE bởi chính họ sẽ trở thành cầu nối đưa những tri thức và kinh nghiệm đạt được trong quá trình triển khai hoạt động Dự án tới toàn hệ thống giáo dục đại học.

Ngoài ra, Hội nghị cũng là cơ hội để Dự án POHE 2 tổng kết những kết quả đạt được từ năm 2012 đến nay. Trong đó, thành tựu nổi bật là hoàn thiện Tiêu chuẩn năng lực giảng viên POHE, thắt chặt hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường; bước đầu hỗ trợ 08 trường mở rộng thêm các chương trình đào tạo sang các ngành nghề phù hợp, thành lập và đi vào hoạt động 5 trung tâm bồi dưỡng giảng viên POHE. Các hoạt động này sẽ được triển khai tại 8 trường hứa hẹn là những đốm lửa sáng, là nòng cốt để POHE có sức lan tỏa mạnh hơn trong hệ thống giáo dục.

Chặng đường phía trước của POHE 2

Trong những chặng đường cuối cùng, Dự án POHE 2 hướng đến các mục tiêu nhân rộng khái niệm POHE đến toàn hệ thống giáo dục bằng việc mở rộng các chương trình POHE sang các ngành nghề mới, nghiên cứu vai trò của nhà nước trong quan hệ hợp tác trường đại học và doanh nghiệp, nâng cao năng lực đào tạo cho đội ngũ giảng viên POHE. Ngoài ra, một trong những trọng tâm lớn mà Dự án hướng đến đó là xây dựng khung chính sách phù hợp cho POHE ở cấp hệ thống. Hội nghị lần này đã dành một thời lượng đáng kể để thảo luận về những khung chính sách cho POHE và vị trí của POHE trong hệ thống giáo dục đại học phân tầng. Nhiều đại biểu cho rằng, việc thể hiện triết lý và mô hình POHE trong các văn bản chính sách và khung pháp lý cụ thể sẽ là kim chỉ nam cho công tác quản lý POHE hiệu quả hơn trong tương lai.

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình POHE cho những thách thức nổi lên trong hệ thống giáo dục đại học. Bà hy vọng trong thời gian tới Dự án POHE 2 tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục đại học để tạo điều kiện thuận cho sự hình thành và phát triển các chương trình POHE nói riêng và cơ sở giáo dục Đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng nói chung.

T.T.T.G (Theo Dự án POHE 2)