Vào lúc 14h00 ngày 12 tháng 05 năm 2025, tại Phòng họp số 4 – Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đã diễn ra lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp cơ sở của nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Kim Chi chuyên ngành Bảo vệ thực vật với tên đề tài: “Nghiên cứu tình hình bệnh khảm lá sắn ở Thừa Thiên Huế và một số giải pháp để quản lý bệnh hại”.
Luận án được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở, thành lập theo Quyết định số 212/QĐ-ĐHNL ngày 14 tháng 04 năm 2025 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) gồm 7 thành viên do GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa – Trường ĐHNL, ĐHH làm chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng – Trường Đại học Khoa học, ĐHH (Phản biện 1); PGS.TS. Trần Thị Hoàng Đông – Trường ĐHNL, ĐHH (Phản biện 2); PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi – Trường ĐHNL, ĐHH (Thư ký); PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện Công nghệ sinh học, ĐHH (Ủy viên); PGS.TS. Trần Thị Thu Hà (Ủy viên); TS. Trịnh Thị Sen – Trường ĐHNL, ĐHH (Ủy viên).
Luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành đào tạo: Bảo vệ thực vật, mã số 9620112, do hai giáo viên hướng dẫn là PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Trường (giáo viên hướng dẫn 1) và TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (giáo viên hướng dẫn 2).
Buổi bảo vệ Luận án còn có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Ban Đào tạo và công tác sinh viên, ĐHH; PGS.TS. Nguyễn Văn Đức – Trưởng Phòng ĐT&CTSV – Trường ĐHNL, ĐHH; PGS.TS. Nguyễn Đình Thi – Phó Trưởng Khoa Nông học – Trường ĐHNL, ĐHH; các nhà khoa học và người quan tâm.
Luận án của NCS. Nguyễn Kim Chi đã đánh giá được tình hình bệnh khảm lá sắn (KLS) ở Thừa Thiên Huế với diện tích nhiễm là 2.868,7 ha (73,9% tổng diện tích trồng sắn), cấp bệnh phổ biến cấp 4 – 5, có 7 loài sinh vật gây hại trên sắn và gây thiệt hại 30% – 70%. Nguyên nhân lây lan bệnh KLS từ hom giống với tỷ lệ giảm năng suất 30,7 – 38,1%. Ở điều kiện nhà lưới, bọ phấn trắng có khả năng truyền bệnh trong vòng 20 – 22 ngày sau khi chích hút. Bằng chỉ thị phân tử đã xác định nguyên nhân gây bệnh KLS tại Thừa Thiên Huế là do SLCMV. Biện pháp phòng trừ: Sử dụng chất kích kháng và phòng trừ bọ phấn trắng trên đồng ruộng bằng thuốc Nouvo 3.6 EC mang lại hiệu quả phòng trừ cao nhất 83,5% sau 14 ngày phun thuốc và hiệu quả kinh tế đạt cao nhất 8,848 triệu đồng/ha.
Tại buổi bảo vệ, Hội đồng đã đưa ra ý kiến đánh giá các kết quả NCS đã đạt được và chỉ ra những nội dung cần bổ sung. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá với 7/7 phiếu đồng ý cho NSC được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế sau khi đã chỉnh sửa và hoàn thiện theo kết luận của hội đồng chấm Luận án cấp cơ sở.
Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ: