“Nông nghiệp 4.0” được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “Nông nghiệp thông minh” và “Canh tác số hóa”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp. Để tiếp cận đến nền nông nghiệp 4.0 này thì cơ hội lựa chọn vào học một trong những ngành học thuộc nhóm ngành Trồng trọt và Nông nghiệp công nghệ cao tại Khoa Nông học, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế là phù hợp nhất.
Khoa Nông học có lịch sử hình thành và phát triển cùng với trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế hơn 53 năm. Khoa là cơ sở đào tạo chuyên sâu và có uy tín đối với bậc đại học và sau đại học trong lĩnh vực Khoa học cây trồng; Nông học; Bảo vệ thực vật; Nông nghiệp công nghệ cao; Sinh học ứng dụng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Khoa có đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm được đào tạo từ nhiều nước tiên tiến trên Thế giới và Việt Nam (02 giáo sư, 06 phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và 05 nghiên cứu sinh) và các phòng thí nghiệm phục vụ thực hành thực tập và nghiên cứu với các trang thiết bị chuyên sâu.
Khi đăng ký học một trong các ngành tại Khoa Nông học, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng liên quan như sau:
- Ngành Bảo vệ thực vật: Đây là ngành học cung cấp các kiến thức chuyên sâu về dịch hại trên cây trồng (côn trùng, nhện hại, bệnh hại), các biện pháp phòng, quản lý dịch hại trên cây trồng, kỹ năng điều tra, chẩn đoán, thu thập, phân tích và xử lý thông tin liên quan đến bảo vệ thực vật; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị cơ bản, hiện đại phục vụ hiệu quả nghiên cứu khoa học, quản lý, sản xuất và kinh doanh trong ngành bảo vệ thực vật.
- Ngành Khoa học cây trồng: Đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về các kỹ thuật sản suất cây trồng và công nghệ mới. Xây dựng và thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng theo hướng nông nghiệp an toàn, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chọn tạo, tuyển chọn giống và ứng dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất cây trồng thích ứng với các điều kiện sinh thái.
- Ngành Nông học: Đào tạo những kiến thức tổng hợp liên quan đến khoa học cây trồng, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Nghiên cứu chuyên sâu và tiếp thu các công nghệ mới trong nông nghiệp; nắm vững kiến thức ngành phù hợp với yêu cầu thị trường lao động trong lĩnh vực nông học. Nắm vững cơ sở khoa học để xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy trình sản xuất trong nông nghiệp.
- Ngành Nông nghiệp công nghệ cao: Thực hiện được quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (máy bay không người lái, tưới tiêu và bón phân tự động,,..); Sản xuất cây trồng quy mô hàng hóa theo hướng công nghệ cao;
- Sinh học ứng dụng: Xây dựng và thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất các loại sản phẩm sinh học phục vụ sản xuất; Tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật; Xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm sinh học;
Trong thời gian học tập, sinh viên có nhiều cơ hội thực tập nghề nghiệp tại các doanh nghiệp nước ngoài hưởng lương cao như Nhật Bản, Đan Mạch, Israel, Đức, Úc,… và các doanh nghiệp trong nước như Bà Nà Hill, Huy Long An, Lộc Trời, Đà Lạt Hasfarm, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, Tấn Anh,… Sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học ngày từ năm thứ nhất dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong Khoa với nhiều đề tài, dự án để nâng cao kiến thức nghề nghiệp và tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn.
Sinh viên có nhiều cơ hội nhận các học bổng từ ngân sách nhà nước, các học bổng tài trợ trong và ngoài nước, học bổng học tập ngắn hạn ngoài nước với nhiều chương trình học bổng khác nhau (Viethope, Vietseeds, Nguyễn Trường Tộ, Vallet,…). Ngoài ra, hàng năm có nhiều suất học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn và học tốt và học bổng của các công ty dành cho các tân sinh viên là thủ khoa các ngành của Khoa Nông học.
Khoa Nông học có nhiều câu lạc bộ đội, nhóm và các hoạt động đoàn, hội phong phú, đa dạng để thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Học phí theo học các ngành của Khoa Nông học rất thấp, với mức 9.800.000 đ/năm (02 học kỳ). Ngoài ra nếu các bạn thuộc các đối tượng được miễn giảm học phí thì có thể được miễn học phí đại học từ 50-100%. Bên cạnh đó, mức sống, chi phí ở Huế cũng không quá cao, nên các bạn có thể an tâm về chi phí học tập khi theo học tại trường.
Sinh viên có cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp các ngành của Khoa Nông học. Hàng năm Khoa Nông học có rất nhiều cơ quan doanh nghiệp đến tuyển dụng sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Hầu như 100% sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp đều có việc làm tại nhiều cơ quan đơn vị khác nhau và ở nhiều vị trí việc làm khác nhau như cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, tư vấn viên, kiểm dịch viên, cán bộ giảng dạy, nhân viên kinh doanh, nhân viên thị trường,…với mức lương hấp dẫn dao động từ 7 – 25 triệu đồng/tháng, hoặc có thể học tập tiếp ở bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).
Sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan thuộc lĩnh vực nông nghiệp như tại các Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; Viện nghiên cứu, Viện sinh học nhiệt đới; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp; Trung tâm Giống cây trồng; Nông trường, nông trại, trang trại; Các công kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Khu du lịch, di tích, sân gôn và resort; Ngân hàng (phụ trách các dự án nông nghiệp); Cửa khẩu quốc tế; Dự án phát triển; Tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; Tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo về nông nghiệp.